LTS: Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024. VietNamNet xin trân trọng đăng tải bài viết của tác giả Lưu Mai Anh, ĐH Quốc gia Hà Nội về Tổng Bí thư. Bài viết được đăng trong cuốn “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế” và cuốn “Người Văn – Nghĩ và Sống” nhân kỷ niệm 50 năm tựu trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, lớp Văn khóa VIII (1963 – 1967).
TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG Nhà lãnh đạo bình dị sống một cuộc đời vì nước, vì dân
Chuyên mục: Thông tin tuyên truyền, Phổ biến, giáo dục Pháp luật | Người đăng:
| Ngày đăng: 20/07/2024 | Số lần xem: 270
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) – một làng quê thanh bình với những người nông dân hiền hậu và phong trào hiếu học truyền thống.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là con út trong một gia đình thuần nông đông anh em. Đồng chí được bạn học nhớ đến với dáng người nhỏ bé, đôi mắt sáng lạ thường, đặc biệt ngoan hiền và rất chăm chỉ học tập. Đồng chí học giỏi môn Văn và được các thầy cô khen là điềm đạm, hiền lành, được bạn bè quý mến.
Thầy giáo Đoàn Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều hồi tưởng: "Quả thực từ ngày đó, tôi đã có ấn tượng rất đặc biệt với trò Trọng. Tôi còn nhớ rất rõ, do nhà nghèo lại ở xa, nên Trọng phải trọ học trong một ngôi chùa gần trường. Đã có nhiều thầy cô giáo nói với tôi về tư chất, năng lực lãnh đạo đoàn thể của cậu trò này".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng gặp lại Nhà giáo Lê Đức Giảng, nguyên Bí thư Chi bộ, Giáo viên chủ nhiệm lớp 10 B của trường vào tháng 11/2020 (Ảnh: TTXVN)
Năm 1963, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đậu Khoa Ngữ Văn khóa 8, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thời ấy, Khoa Ngữ văn có tới 130 sinh viên với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã được tin tưởng giữ trọng trách Bí thư Chi đoàn lớp.
Năm thứ tư đại học, khi đi thực tế để làm luận văn tốt nghiệp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tham gia Đội Thanh niên xung phong ở Lạng Sơn. Ngoài những giờ học hàng ngày, đồng chí còn đi làm đường, cuốc đất, buổi tối sinh hoạt tập thể, đàn hát vui vẻ nên anh chị em thanh niên xung phong ai cũng mến. Cuối khóa học, đồng chí đạt tốt nghiệp thủ khoa với luận văn được xếp loại xuất sắc.
Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Trịnh Hồ Khoa – bạn cùng lớp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét: "Anh Trọng từ khi còn theo học đã bộc lộ những tố chất của một người có khả năng làm lãnh đạo. Không chỉ học giỏi mà anh Trọng còn rất năng nổ, nhiệt tình trong mọi công tác tập thể. Bình thường, anh Trọng rất điềm đạm và kiệm lời, nhưng mỗi khi đưa ra ý kiến về vấn đề gì đó lại cực kỳ sắc sảo".
Sau này, khi đảm nhận những chức vụ lãnh đạo quan trọng của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ vẹn nguyên đức tính giản dị và khiêm nhường. Với cương vị đảm nhiệm 3 chức vụ cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, nhưng đồng chí vẫn sử dụng một chiếc xe công vụ trong hơn 20 năm.
Nhiều người cũng phải bất ngờ khi thấy phòng làm việc của Tổng Bí thư thật sự đơn sơ, giản dị đến mức không thể giản dị hơn. Trên tường có treo ảnh Bác Hồ và trong phòng làm việc chỉ có sách và sách.
Mỗi lần họp lớp Khoa Ngữ Văn khóa 8 vào đầu Xuân, nếu không bận công việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều tham dự, lần nào bận họp, đến muộn, đồng chí cũng báo trước để mọi người không phải chờ. Khi đã giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí vẫn lặng lẽ nhờ người chở mình đi xe máy về trường cũ trong sự ngỡ ngàng của thầy cô và bè bạn.
Bận trăm công, nghìn việc, nhưng khi Tết đến Xuân về, Tổng Bí thư vẫn dành thời gian viết thư tay chúc sức khỏe cô giáo dạy mình thời niên thiếu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt lớp Văn 8 (1963-1967), Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
Suốt quá trình công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn được nhắc đến là nhà lãnh đạo liêm khiết, trong sạch, không hề trục lợi từ chức danh của mình mà dồn hết tâm huyết và trách nhiệm với dân, với nước, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ vai trò cao nhất của Đảng vào năm 2011, đất nước ta đã có nhiều chuyển biến cả về kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Trong đó, người đứng đầu Đảng ta dành nhiều tâm sức cho công cuộc phòng chống tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 16/8/2023. Ảnh: TTXVN
Bước ngoặt trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng ở nước ta chính là việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban vào ngày 1/2/2013. Đến năm 2021, Ban Chỉ đạo đổi tên thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Tổng Bí thư, không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải phòng, chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng. Đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống…", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước; chỉ đạo, phối hợp các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
"Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" - Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng vào tháng 7/2017 mang đến hình ảnh rõ ràng nhất cho sự quyết tâm diệt "giặc nội xâm" của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục diễn ra kiên quyết, không ngừng, không nghỉ. Trong đó quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp gây bức xúc trong nhân dân để đưa ra xét xử, như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Sài Gòn Co.op…
Tổng Bí thư từng nhấn mạnh: "Chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng. Nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới".
Từ sự chỉ đạo quyết liệt, nói đi đôi với làm của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, giúp cho công tác phòng chống tham nhũng "đã thật sự trở thành phong trào quần chúng, thành xu thể không thể cưỡng lại", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.
Không chỉ kiên trì, quyết liệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn khẳng định, quan điểm nhất quán của Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải làm một cách nhân văn, bài bản và thuyết phục.
Hầu hết các đối tượng bị xử lý đều đã nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tuyên ngôn mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế.
Trong một lần tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định rõ quan điểm xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là nhằm làm bài học răn đe chung, cảnh tỉnh để những người khác không vi phạm; đúng như Bác Hồ từng dạy là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, "cắt một vài cành sâu để cứu cả cây".
Còn về ý kiến cho rằng "kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, không lo không có cán bộ làm việc, bởi cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử lý. Quan trọng là phải chọn đúng cán bộ thay thế, phải làm thật chính xác, chín chắn, không được vội vàng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, với những dấu ấn nổi bật, làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng cao, càng bền vững.
Là ngọn cờ lý luận của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm xác định tầm nhìn chiến lược của Đảng và dân tộc; coi trọng tổng kết thực tiễn để không ngừng bổ sung, hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trong đó, cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" được coi là cơ sở quan trọng cho tổng kết đường lối đổi mới của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Ban Tuyên giáo Trung ương
Người đứng đầu Đảng ta thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xác định đó là nguyên tắc cơ bản, nền tảng vững chắc của Đảng ta, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, dân tộc ta, "không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động".
Đối với các cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân và căn dặn: "Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo".
Quan điểm sống của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là: Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất bởi "Tiền bạc lắm, chết có mang theo được đâu".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tặng hoa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản
Khi được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại những câu trong tác phẩm nổi tiếng "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Liên Xô Nikolai Alekseyevich Ostrovsky: "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân!"; "Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ!"... và lời thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Còn một giây, một phút tàn hơi/ Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi"!
Với nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, ngày 18/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Bộ Chính trị trao Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chúng ta sẽ nhớ mãi về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một nhà lãnh đạo cấp cao có tầm tư duy chiến lược, luôn trăn trở, lo toan cho dân, cho nước nhưng cũng giản dị, gần gũi và giàu lòng nhân ái. Đồng chí xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tổng chỉ huy trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm", nhà lãnh đạo của nhân dân, được mọi tầng lớp nhân dân trân quý.
Những di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ còn mãi với thời gian, còn mãi trong trái tim đồng bào, tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo kế tục, coi là kim chỉ nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, giàu đẹp.
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; Viện Lịch sử Quân sự/Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Đảng ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam, Hội CCB phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin.
Đồng chí Đại tá NGUYỄN TRƯỜNG GIANG
Sinh năm 1957; nguyên quán: Xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đại Xuân, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh); trú quán: Phòng 506, Đ9, Khu tập thể Nam Đồng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Trưởng phòng Tổng kết chiến tranh, Viện Lịch sử Quân sự/Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; đã nghỉ hưu.
Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Đồng chí đã từ trần hồi 3 giờ 31 phút ngày 2-12-2024, tại nhà riêng. Lễ viếng tổ chức từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút ngày 6-12-2024. Lễ truy điệu vào hồi 8 giờ 35 phút ngày 6-12-2024, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội); đưa tang, hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) và an táng cùng ngày tại Nghĩa trang Ngân Hà Viên, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Bộ tư lệnh Quân khu 3; Bộ CHQS tỉnh Thái Bình; Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam, Hội CCB xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; Cục Chính trị/Bộ Tổng Tham mưu; Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Đảng ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam, Hội CCB phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Tôi nghe nói về GS. Nguyễn Phú Trọng đã lâu, nhưng gần đây mới có dịp được gặp. Căn phòng làm việc của ông tại trụ sở Thành uỷ Hà Nội thật đơn sơ, bình dị. Là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, dù đang rất bận rộn với công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và biết bao công việc của Thành phố, nhưng ông vẫn cởi mở, chân tình tiếp tôi như với một người đã từng thân quen từ lâu. Với chất giọng trầm ấm, ông lần lượt trao đổi theo vấn đề tôi nêu, mà lại như những câu chuyện tự sự sâu lắng…
GS. Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/04/1944, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Hai cụ thân sinh đều làm ruộng, sống ngay thẳng, nhân hậu và giữ nếp gia phong. Các anh chị em đều thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Năm 1947, ông theo gia đình tản cư lên Thái Nguyên. Năm 1950, ông hồi cư về sống trong vùng tề, hàng ngày chứng kiến biết bao cảnh đói khổ, giặc Pháp lùng sục, vây ráp, bắt bớ, tra tấn cán bộ du kích, Việt Minh. Làng xóm lúc nào cũng nơm nớp, lo sợ. Năm 1952, Nguyễn Phú Trọng bắt đầu đi học ông giáo trường làng - một ông giáo già đức độ nhưng nghiêm khắc. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quê hương giải phóng, Nguyễn Phú Trọng được đi học trong không khí hoà bình, phấn khởi. Lớp 2 và lớp 3 ông học ở xã nhà. Khi lên lớp 4 thì ông phải đi học xa, vì hai xã mới có một lớp. Trời rét cắt da cắt thịt cũng chỉ có vài manh áo mỏng, chân đi đất, phải đốt than bỏ vào ống bơ để sưởi ấm dọc đường. Lớp học là một gian "tảo mạc" tuềnh toàng của khu đình cổ. Được cái ông học rất "sáng dạ" nên năm nào cũng đứng ở tốp dẫn đầu lớp.
Từ năm 1957 đến năm 1963, ông học trường cấp II rồi cấp III Nguyễn Gia Thiều đóng tại Gia Lâm, Hà Nội. Nhà xa, lại cách trở con sông Đuống, ông và các bạn phải đi học từ 3 - 4 giờ sáng. Mùa hè còn đỡ, mùa đông rất vất vả, nhiều hôm trời mưa, đò không chở sớm, ông đành đến lớp muộn. Được một thời gian, phải trọ học. Vài ba anh em ở nhờ một nhà dân, tự lo cơm nước và giúp đỡ nhau học tập. Ăn uống kham khổ, thiếu thốn, nhiều lúc ông phải vừa học vừa tự lao động kiếm sống. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Phú Trọng đã sớm có ý thức tự lập và có ý chí vươn lên.Ngay từ nhỏ, ông đã rất thích văn học dân gian và thường ước mơ được theo nghề văn hoặc nghề báo. Ham học lại thông minh nên học hết lớp 10, ông thi đỗ ngay vào Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khoá 1963 - 1967). Trường sở lúc này còn phân tán. Năm đầu học ở khu Chùa Láng, năm sau chuyển về khu Mễ Trì. Từ năm 1965 đến năm 1967, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Đó là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang hồi quyết liệt, nhưng thầy và trò nhà trường vẫn nêu cao quyết tâm dạy tốt và học tốt. Mỗi khi nhớ lại những tháng ngày học tập tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS. Nguyễn Phú Trọng không khỏi bồi hồi xúc động pha lẫn sự tự hào. Ông kể: "Vào một buổi sáng đẹp trời, đầu tháng 9.1963, chúng tôi tập trung ở giảng đường 1 - phố Lê Thánh Tông (tức khu 19 Lê Thánh Tông bây giờ). Trước lúc điểm danh, tôi đứng chơi dưới vườn Tao đàn. Ngước nhìn lên cổng trường ngắm mãi dòng chữ "Trường Đại học Việt Nam" sao mà cảm thấy lâng lâng, hãnh diện. Gặp nhau buổi đầu còn bỡ ngỡ, làm quen còn rụt rè, nhưng thấy bạn hữu ai cũng "siêu" cả, không học sinh giỏi nhất, nhì Văn toàn miền Bắc (lúc đó miền Nam chưa được giải phóng) thì cũng đứng đầu hàng tỉnh…".
Cuối năm 1964 - đầu năm 1965, trong không khí sục sôi đánh Mỹ, thanh niên học sinh đua nhau viết đơn bằng máu tình nguyện xin vào Nam chiến đấu, hối hả luyện tập, tập trận giả, tập hành quân, báo động, đào hào, đào hầm… Một số thanh niên lớp ông lên đường vào Nam chiến đấu, một số "phải ở lại" để tiếp tục học tập - chuẩn bị hành trang tri thức phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Ông thuộc nhóm thứ hai. Mái trường đại học đã chắp cánh cho ước mơ của ông. Ông được học Văn học - ngành mà ông hằng yêu thích. Ông đặc biệt say mê đọc, học thơ ca dân gian, truyện cổ dân gian, thơ Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu… những hồn thơ thấm đậm chất dân gian. Ông học vào loại giỏi, lao động cừ, tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp và Đoàn thanh niên. Năm 1967, với sự hướng dẫn của GS. Đinh Gia Khánh, cậu sinh viên năm thứ tư Nguyễn Phú Trọng đã bảo vệ thành công khoá luận tốt nghiệp về đề tài: "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu" với điểm tối ưu duy nhất của khoá đó. Cùng năm này (1967), ông vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, một điều rất hiếm đối với sinh viên thời bấy giờ.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Phú Trọng, cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, thăm gia đình đã đùm bọc ông và các sinh viên ĐH Tổng hợp Hà Nội trong thời kỳ Trường sơ tán tại Đại Từ, Thái Nguyên
Nhà trường có ý định giữ ông lại làm cán bộ giảng dạy. Ông cảm thấy rất vui và hồi hộp chờ đợi. Nhưng rồi thực tế lại diễn ra theo chiều hướng khác: ông được điều động về công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông hoàn toàn bất ngờ và không khỏi băn khoăn, lo lắng, nhưng đã là đảng viên thì phải chấp hành sự phân công của tổ chức.
Nguyễn Phú Trọng bắt đầu sự nghiệp ở Tạp chí Học tập bằng việc đọc, phân loại, ghi phích, làm công tác tư liệu. Ông kể: "Thú thật là những ngày đầu tôi thấy nản vì công việc khô khan, đơn điệu. Tôi ngỏ ý muốn được làm công tác nghiên cứu và biên tập về lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhưng các đồng chí lãnh đạo trả lời là làm gì thì cũng phải làm tư liệu, bắt đầu từ tích luỹ kiến thức. Tôi nghe thấy có lý và cố quen dần với công việc". Từ đó, cùng với việc làm tư liệu, ông đặt cho mình nhiệm vụ viết bài, bắt đầu từ những chuyên đề nhỏ. Thế rồi bài báo đầu tiên của ông đã ra đời sau hàng năm trời thai nghén, ấp ủ (Bài "Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu" đăng trên Tạp chí Văn học số 11.1968). Được các đồng nghiệp trong tạp chí động viên, giúp đỡ tận tình, cộng với sự cầu thị, ham học hỏi, ông tiến bộ khá nhanh.Năm 1971, theo chủ trương chung, ông được cơ quan phái đi thực tế dài hạn (1 năm) ở xã Phú Lãm, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ông ở nhà dân, ăn chung với dân, cũng "bám đội, lội đồng", tham gia lao động và sinh hoạt Đảng như một xã viên, đảng viên của xã.
Năm 1973, ông được cử đi học lớp nghiên cứu sinh Kinh tế chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Là học viên trẻ của Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ, nhưng ông đi học đúng vào thời điểm bố ốm nặng do bị tai biến mạch máu não, vợ mới sinh con, bản thân vừa mới phục hồi sức khoẻ sau một thời gian bị chảy máu dạ dày nên ông gặp không ít khó khăn. Điều lý thú và bổ ích đối với ông lúc đó là được rảnh rang công việc, tập trung nghiên cứu trực tiếp các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin. Riêng bộ "Tư bản" ông đã được học, được nghiên cứu trong gần một năm. Đó là một dịp hết sức hiếm và quý để ông có thể tự trau dồi thêm kiến thức, lấy đó làm nền tảng cho sự nghiệp sau này.
Năm 1981, ông được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh, học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô). Ông lại đứng trước một loạt khó khăn mới: ngôn ngữ mới, ngành học mới; làm sao trong hai năm vừa nghe giảng, vừa thi, hoàn tất phần minimum về Xây dựng đảng, vừa viết và bảo vệ luận án tiến sĩ. Ông thực sự lo lắng và chẳng có cách nào khác là lại phải quyết tâm "trần lưng ra chịu trận". Cuối cùng ông đã đạt được kết quả xứng đáng với công sức bỏ ra: thi đỗ phần minimum với điểm tuyệt đối và là người đầu tiên của Khoa bảo vệ thành công luận án, trước thời hạn hai tháng.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Phú Trọng trồng cây tại Trường THPT Vạn Thọ (Đại Từ, Thái Nguyên)
Tháng 8/1983, ông về nước, tiếp tục công tác ở Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản. Được đề bạt làm Phó trưởng ban (tháng 10.1983), Trưởng ban (tháng 9.1987), Uỷ viên Ban biên tập (tháng 3.1989), Phó tổng biên tập (tháng 5.1990) rồi Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (tháng 8/1991).
Ông còn nhớ, hồi học phổ thông ông thích nghề làm báo chỉ đơn giản là do cảm tính, thấy "được bay nhảy", "được đi đây đi đó", nhưng càng về sau này, qua thực tế công việc, ông càng hiểu nghề báo đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và càng yêu nghề báo hơn. Gần 30 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản, GS. Nguyễn Phú Trọng đã kinh qua nhiều công việc và đã viết, biên tập hàng trăm bài báo lý luận với nhiều thể loại khác nhau, từ xã luận, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm đến giới thiệu sách, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn, phê phán các biểu hiện sai trái, tiêu cực… với tất cả sự trải nghiệm và tâm huyết của mình với nghề. Ông bảo: "Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Nhà báo phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác. Những người làm ở tạp chí lý luận chính trị như Tạp chí Cộng sản càng phải có cố gắng lớn, quyết tâm cao và thực sự có lòng say mê, yêu nghề, ham học hỏi và đặc biệt là có một phương pháp làm việc đúng".GS. Nguyễn Phú Trọng đã gắn bó và có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển của Tạp chí Cộng sản, nhất là từ khi ông làm Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập, Tạp chí đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các bài viết đã bớt tính kinh viện, bám sát các vấn đề của cuộc sống, có thêm nhiều hàm lượng thông tin; nhiều bài viết đã đi sâu vào thực tiễn, phục vụ đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Năm 1992, ông được phong học hàm Phó giáo sư và 10 năm sau (2002) ông được phong học hàm Giáo sư.
Tháng 08/1996, GS. Nguyễn Phú Trọng được Trung ương điều về làm Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Đại học, phụ trách công tác tuyên giáo của Thành uỷ.
Tháng 02/1998, ông được điều lên Trung ương phụ trách công tác tư tưởng - văn hoá và khoa giáo của Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Từ tháng 8.1999 tham gia Thường trực Bộ Chính trị; trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn Văn kiện Đại hội IX của Đảng.
Tháng 01/2000, ông lại được điều về làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Ông đã cùng tập thể Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ đề xuất nhiều chủ trương đúng, và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với phong cách dân chủ, quyết liệt, tạo nên những chuyển biến tiến bộ rõ rệt của Thủ đô. Tháng 11.2001, Bộ Chính trị phân công ông kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng. Từ đầu năm 2003, ông trực tiếp chỉ đạo công tác tổng kết 20 năm đổi mới, chuẩn bị và biên soạn văn kiện Đại hội X của Đảng.
Trong 20 năm qua, GS. Nguyễn Phú Trọng đã tham gia nghiên cứu, tổng kết, biên tập nhiều văn kiện quan trọng của Trung ương như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng năm 1991, Báo cáo chính trị các đại hội VII, VIII, IX, X; một số nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khoá VII), Báo cáo tổng kết 20 năm công tác xây dựng Đảng (1975 - 1995); Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 - 2006)...
Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, IX; Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VIII và IX; Đại biểu Quốc hội khoá XI. Và mới đây, khi cuốn sách này chuẩn bị được đưa tới Nhà in, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã thành công, ông lại được tín nhiệm bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá X.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục lý luận, đào tạo cán bộ, GS. Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp làm chủ nhiệm một số đề tài và chương trình nghiên cứu khoa học xã hội cấp nhà nước và cấp Thành phố; giảng dạy một số chuyên đề cho cán bộ lãnh đạo cao cấp, nghiên cứu sinh, giảng viên các trường đại học; hướng dẫn một số nghiên cứu sinh làm và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ... Từ năm 1990 đến nay, ông đã xuất bản hơn 10 cuốn sách và gần 30 chuyên đề in trong nhiều tác phẩm. Đáng chú ý là các cuốn: "Sự lãnh đạo và hoạt động của Đảng trong điều kiện kinh tế thị trường" (năm 1995); "Vì một nền văn hoá Việt Nam dân tộc, hiện đại" (2002); "Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại" (2003); "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - một số vấn đề lý luận và thực tiễn" (2005)... Đặc biệt, cuốn "Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình đổi mới đất nước" xuất bản năm 2002, tái bản năm 2005 và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Khi tôi hỏi về mối liên hệ giữa những kiến thức lý luận về Văn học, Kinh tế, Chính trị, Xây dựng Đảng ông đã lĩnh hội được từ nhà trường với công việc chỉ đạo trong thực tiễn hiện tại, ông cho biết: Từ khi về công tác ở Thành uỷ Hà Nội, ông có nhiều điều kiện để kiểm nghiệm những vấn đề lý luận trong thực tiễn. Được đào tạo tương đối có hệ thống và bài bản ở nhà trường, đó là một điều cực kỳ may mắn đối với ông. Nhờ được học Triết mà ông có được phương pháp nhận thức và tư duy lý luận tương đối biện chứng, mạch lạc; nhờ được học Văn mà ông có thể thể hiện rõ hơn suy nghĩ của mình. Kiến thức Kinh tế, Chính trị và Xây dựng Đảng giúp ông rất nhiều trong việc nhìn nhận thực tiễn, phát hiện vấn đề để chỉ đạo, quyết định công việc. Ngược lại, thực tiễn phong phú của cuộc sống lại giúp ông củng cố, bổ sung nhận thức lý luận, thấy được "cái được" và "chưa được" để sửa chữa.
Nhiều năm gắn bó với Thành uỷ Hà Nội ở nhiều cương vị công tác, GS. Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô. Những định hướng, những quyết sách mà ông và các đồng chí lãnh đạo Thành uỷ Hà Nội đề ra trong thời gian qua đã góp phần quan trọng đưa lại cho thủ đô Hà Nội một diện mạo mới. Theo đánh giá của các đại biểu tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XIV vừa qua, nhiều lĩnh vực hoạt động của Hà Nội đã có những bước phát triển khởi sắc, tạo tiền đề để Thành phố tiếp tục đi lên trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tại Đại hội này, GS. Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhiệm kỳ 2005 - 2010 với tín nhiệm rất cao.
GS. Nguyễn Phú Trọng và các bạn đồng môn trong Văn Miếu, Quốc Tử Giám
Cán bộ và nhân dân Hà Nội quý mến, tin tưởng ông, bởi trí tuệ, phong cách, tinh thần làm việc, tính khiêm nhường và sự nhạy bén linh hoạt trong giải quyết công việc của ông. Nhiều người đã gửi thư bày tỏ tình cảm, sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có cá nhân ông. Những người cùng làm việc hoặc đã từng gần gũi GS. Nguyễn Phú Trọng cho biết, ông sống rất giản dị, chân thành, tôn trọng, gần gũi anh em, đồng nghiệp, sâu sát thực tế, luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng. Ông dường như chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Thứ bảy, chủ nhật ông "thư giãn" bằng cách đi cơ sở, xuống tiếp xúc với dân, khảo sát thực tế hoặc đi thăm bạn bè. Báo chí đã kể nhiều về những chuyến đi của ông xuống tận địa bàn để tìm hiểu, kiểm tra và giải quyết những vấn đề khúc mắc, như: khu "xóm liều" Thanh Nhàn, khu xử lý rác thải Sóc Sơn, Công ty Vận tải xe buýt... những chuyến thăm viện dưỡng lão, trung tâm cai nghiện ma tuý, trung tâm bảo trợ xã hội, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn...Ông là người có ý thức giữ gìn phẩm chất, đạo đức, không lợi dụng chức quyền để vun vén riêng tư cho cá nhân và gia đình. Đi làm, trưa ông vẫn thường ăn cơm ở nhà bếp tập thể cơ quan cùng anh em; những cuộc họp lớp gặp gỡ bạn cũ ông vẫn "mày tao chi tớ", sôi nổi như thủa sinh viên. Ông thường bảo: "Con người ta mỗi người một số phận, hôm nay làm việc này, ngày mai có thể làm việc khác, sống với nhau cốt ở cái nghĩa, cái tình". Ông còn bộc bạch: "Tôi biết có nhiều việc mình chưa làm được, nhiều dự định chưa hoàn thành, trong công tác còn nhiều khuyết điểm; ở cương vị của người chèo lái, tuyệt đối không được phép chủ quan; trái lại phải cố gắng, nỗ lực hết mình mới có thể hoàn thành nhiệm vụ".
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi ấy là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong buổi thăm và gặp mặt thân mật với các đồng chí lãnh đạo, thầy cô giáo của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN ngày 16/11/2010
Nguyễn Phú Trọng - anh sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm nào nay là một Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. Đó là cả một chặng đường dài nỗ lực phấn đấu, không ngừng học hỏi, rèn luyện để vươn lên. Năm 2000, cô Đặng Thị Phúc - giáo viên đã từng dạy GS. Nguyễn Phú Trọng 50 năm về trước, khi ông học lớp 4 - với tất cả tình cảm trìu mến, đã viết tặng ông bài thơ có đoạn:
Đó chính là hạnh phúc của "người lái đò" như cô giáo Đặng Thị Phúc và cũng là hạnh phúc của người học trò "qua sông" đang ngày đêm miệt mài, tận tụy đem sức mình đóng góp cho đất nước, cho quê hương như GS. Nguyễn Phú Trọng!
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thành lập năm 1956, là cơ sở giáo dục và đào tạo khoa học cơ bản đầu tiên ở miền Bắc sau khi hoà bình được lập lại. GS. Ngụy Như Kon Tum làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Ông đã giữ cương vị này đến khi nghỉ hưu (năm 1982). Tháng 9/1995, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ra đời trên nền tảng các ngành khoa học xã hội - nhân văn của Trường Đại học Tổng hợp, trở thành trường đại học thành viên trụ cột của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường gắn liền với tên tuổi của các giáo sư nổi tiếng như: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Hoàng Xuân Nhị, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Trần Đình Hượu, Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ… Đội ngũ trùng điệp các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu đất nước đã làm việc, cống hiến sức lực và trí tuệ dưới mái trường này không chỉ tạo dựng, xây đắp và khẳng định giá trị cốt lõi, cơ bản nhất của nền khoa học Việt Nam, mà còn đào tạo, dìu dắt, vun bồi lớp lớp thế hệ sinh viên ưu tú, đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cựu sinh viên khoá 8 Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (người đứng thứ hai từ trái sang, chụp tháng 2/1965 ở ký túc xá Mễ Trì)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, niên khóa 1963 - 1967, do GS.NGND Hà Minh Đức làm Chủ nhiệm lớp. Trong cuốn kỷ yếu “100 năm Đại học Đông Dương - Đại học Quốc gia Hà Nội”, Ông bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xúc động và tự hào khi lần đầu tiên đến trường nhập học: "Vào một buổi sáng đẹp trời, đầu tháng 9/1963, chúng tôi tập trung ở giảng đường 1 - phố Lê Thánh Tông (tức khu nhà 19 Lê Thánh Tông bây giờ). Trước lúc điểm danh, tôi đứng chơi dưới vườn Tao đàn. Ngước nhìn lên cổng trường ngắm mãi dòng chữ "Trường Đại học Việt Nam" sao mà cảm thấy lâng lâng, hãnh diện. Gặp nhau buổi đầu còn bỡ ngỡ, làm quen còn rụt rè, nhưng thấy bạn hữu ai cũng "siêu" cả, không học sinh giỏi nhất, nhì Văn toàn miền Bắc (lúc đó miền Nam chưa được giải phóng) thì cũng đứng đầu hàng tỉnh…".
Thời điểm này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào cao điểm cam go do kẻ thù tăng cường ném bom đánh phá miền Bắc. Chiến tranh khiến trường lớp phân tán: năm đầu học ở khu Chùa Láng, năm sau chuyển về khu Mễ Trì, năm 1965 - 1967, thầy và trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình đã đùm bọc ông và các sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội trong thời kỳ Trường sơ tán tại Đại Từ, Thái Nguyên
Trong những năm tháng bom rền, đạn nổ, bất chấp đói rét, khó khăn, thầy và trò Nhà trường quyết tâm dạy tốt và học tốt, ra sức phục vụ chiến đấu và sản xuất, quyết tâm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa chuẩn bị cho sự nghiệp kiến thiết đất nước sau này.
Khoa Ngữ văn thời đó có hơn 130 sinh viên với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tin tưởng giao trọng trách làm Bí thư Chi đoàn lớp. Năm 1967, với sự hướng dẫn của GS. Đinh Gia Khánh, cậu sinh viên năm thứ tư Nguyễn Phú Trọng bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp về đề tài: "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu" và là người duy nhất của khoá học đạt điểm tối ưu. Cũng trong năm đó (1967), Ông vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, một điều rất hiếm gặp đối với sinh viên thời bấy giờ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt lớp Văn 8 (1963-1967), Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
Sau khi tốt nghiệp (1967), Nhà trường có ý định giữ Ông lại làm cán bộ giảng dạy nhưng tổ chức cấp trên đã quyết định điều động Ông về công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong thời gian công tác tại đây, Ông đã được Nhà nước cử sang Liên Xô làm thực tập sinh, học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô). Trở về nước năm 1983, Ông tiếp tục công tác tại Tạp chí Cộng sản, lần lượt được đề bạt làm Phó trưởng ban (tháng 10/1983), Trưởng ban (tháng 9/1987), Uỷ viên Ban biên tập (tháng 3/1989), Phó Tổng biên tập (tháng 5/1990) rồi Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (tháng 8/1991). Ông được Hội đồng Giáo sư Nhà nước lần lượt trao học hàm Phó Giáo sư (1992) và Giáo sư (2002) thuộc chuyên ngành Xây dựng Đảng.
Năm 1996, ông được cấp trên điều động về làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Đại học, phụ trách công tác tuyên giáo của Thành uỷ. Tháng 2/1998, ông được cấp trên điều lên Trung ương phụ trách công tác tư tưởng - văn hoá và khoa giáo của Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Năm 2000, ông được điều động về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Sau đó, Ông tiếp tục giữ nhiều trọng trách như Chủ tịch Quốc hội (2006 - 2011), Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011, tái đắc cử năm 2016 và 2021…
Năm 2010, khi về thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, với tình cảm của một cựu sinh viên khoa Ngữ văn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng xúc động chia sẻ: “Tôi đã trưởng thành từ mái trường này và mãi tự hào về truyền thống và thương hiệu mà Nhà trường đã có”. Từ nhiều năm trước đó, khi công tác tại Tạp chí Cộng sản, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Phú Trọng thường xuyên vào giảng dạy chuyên đề cho sinh viên ngành Văn học của Nhà trường. Ông tính giản dị, vui vẻ ngồi sau xe đạp để giảng viên trẻ của Khoa chở vào trường dạy học rồi lại đưa về khu phố Nguyễn Thượng Hiền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đích thân ông ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá và thế giới bước sang kỉ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết 29-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà, đánh dấu bước phát triển mới về tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với phát triển giáo dục và đào tạo, thể hiện quyết tâm chiến lược đổi mới giáo dục để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài.
Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học ; đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, từng bước tiếp cận xu hướng phát triển giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới.
Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy tăng lên từng bước, từng năm theo chuẩn quốc tế. 10 năm trước đây, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học của cả nước mới đạt khoảng 15%; hiện nay, tỉ lệ này đã tăng hơn 2 lần, đạt khoảng 32%. Tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ đã tiệm cận ngưỡng 80% (trong đó, hơn 20% có học hàm GS/PGS). Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam, ĐHQGHN và ĐHQG Tp.HCM có tên trong danh sách xếp hạng 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của Quacquarelli Symonds. Đặc biệt, năm 2024, Times Higher Education xếp hạng lĩnh vực Khoa học Xã hội của ĐHQGHN vào tốp 501 - 600 thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) về thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN năm 2010 nhân dịp Nhà trường kỷ niệm 65 năm truyền thống và đón nhận danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Khoa học Xã hội và Nhân văn bởi đây là lĩnh vực khoa học về con người, về những vấn đề liên quan giữa con người với con người, con người với xã hội. Khoa học Xã hội và Nhân văn giúp con người có những góc nhìn đa dạng về thực tại cuộc sống, có những lý giải, diễn giải về các quá trình vận động và phát triển, đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, hệ quả, các mối quan hệ và dự đoán các xu thế biến đổi của các sự kiện, hiện tượng trong đời sống con người, từ đó giúp con người lường trước, tính toán để giảm thiểu rủi ro hay tránh được những hậu quả nặng nề mà sự biến đổi có thể mang lại. Khoa học Xã hội và Nhân văn cung cấp những kiến giải khoa học giúp cho các tổ chức chính trị, nhà nước và các cộng đồng tìm kiếm những chiến lược phát triển hợp lý hơn, giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách phát triển cả ở cấp vĩ mô và vi mô hiệu quả hơn.
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở Ban lãnh đạo Nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng đào tạo, tiếp tục khẳng định danh tiếng của trung tâm đào tạo và nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn hàng đầu đất nước, với sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, nghiên cứu, sáng tạo và truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế. Ông đặc biệt căn dặn đội ngũ cán bộ khoa học của Nhà trường cần tập trung vào các công trình nghiên cứu mới, có giá trị để đóng góp thiết thực và hiệu quả trong tư vấn chính sách cho Quốc hội, và các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng và Nhân dân ta, cựu sinh viên ưu tú của mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - đã mãi mãi ra đi. Song, tâm huyết của Ông đối với thầy - trò Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ còn mãi lưu truyền, là kim chỉ nam cho các chiến lược phát triển Nhà trường.
Vị thế xã hội và danh tiếng chuyên môn của Nhà trường hôm nay là sự hòa quyện giữa “truyền thống Văn khoa”, “tinh hoa Tổng hợp” và các “hệ giá trị cốt lõi Nhân văn” được các thế hệ thầy - trò Nhà trường dày công vun đắp qua gần 80 năm xây dựng và phát triển. Truyền thống là nguồn lực, là sức mạnh nội sinh cần tiếp tục được vun bồi, nhân lên và phát huy để góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước - như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ân cần căn dặn cán bộ viên chức trong mỗi lần về thăm trường.
Một nén tâm hương của thầy và trò Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gửi tới anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để tiếp tục “Vững bước trên con đường đổi mới”, như tên gọi của một trong những công trình mà Tổng Bí thư đã để lại cho toàn thể đảng viên và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.