Nhạc sĩ: Hoàng Long Đi học về là đi học về Em vào nhà em chào cha mẹ Cha em khen là con rất ngoan Mẹ âu yếm hôn đôi má em Đi học về là đi học về Em vào nhà em chào cha mẹ Cha em khen là con rất ngoan Mẹ âu yếm hôn đôi má em.

Ảnh lời bài hát Về Hậu Giang nhé em

Lời bài hát Về Hậu Giang nhé em được update liên tục trên website loibaihat.me. Nếu danh sách bài hát thiếu hoặc chưa chính xác, vui lòng liên hệ với chúng tôi!

Trên tấm bản đồ hành chính của huyện Phục Hòa trước đây, xã Triệu Ẩu (xã Bế Văn Đàn ngày nay) như một “cánh bướm” cách điệu giữa đại ngàn. Nổi bật trên “cánh bướm” ấy là hai ngọn núi Phja Chiếu và Phja Tả Mjảng như hai chàng hiệp sĩ khổng lồ đêm ngày in bóng xuống dòng sông Bắc Vọng, quay mặt về hướng Đông như sẵn sàng chở che mọi giông bão, đau thương cho các bản làng, quả là lắng đọng, phong tình.

Đúng là cảnh nào, người ấy, con người nơi đây đời nối đời tựa lưng vào núi, khỏa nước sông nên vừa mạnh mẽ, vừa nồng nàn, da diết. Có lẽ vì thế mà sản sinh ra một chàng trai anh dũng phi thường, tên tuổi mãi mãi đi vào cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc, đó là anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, mới 21 tuổi xuân đã lấy thân mình làm giá súng để đồng đội bắn hạ nhiều quân thù làm cho trận Mường Pồn sáng chói, góp phần làm rạng rỡ chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu”.

Chính từ sự mến mộ, tự hào ấy mà cách đây hơn 40 năm, khi còn là một phóng viên trẻ, mong muốn được đến mọi miền quê để tìm hiểu, khám phá, ngợi ca về những nét đẹp của quê nhà thì tôi có dịp đến Triệu Ẩu, cho đến bây giờ dù đã an phận với ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm” mà khát khao lần nữa đến quê hương Bế Văn Đàn vẫn thôi thúc bước chân tôi. Và rồi vào một ngày giữa đông, nắng vàng xuyên qua những đám mây lờ lững mang cái hanh hao, giá lạnh từ các thung lũng tràn về thì tôi lại may mắn được đến chiêm ngưỡng miền núi sông kỳ vĩ, hữu tình mang hồn phách của người anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi này.

Đến đây mới biết rằng đội ngũ lãnh đạo xã từ đồng chí bí thư, chủ tịch đến cán bộ giúp việc đều thuộc thế hệ 7X, 8X trẻ trung, sôi động. Dù tuổi tác giữa chúng tôi với đội ngũ cán bộ này cách biệt nhau nhưng do từ bao đời các bản làng của quê hương tôi với xã Bế Văn Đàn vẫn chung một dòng sông tắm mát, vẫn cùng hái măng, cắt lá dong chung một cánh rừng nên dù gặp nhau lần đầu vẫn cảm thấy ấm áp, chan hòa như người thân lâu ngày mới gặp lại nhau. Sau đôi chén trà phảng phất hương rừng, hương núi, Bí thư Đảng ủy xã La Thị Phương và Chủ tịch Lý Quốc Hội với phong cách năng động, từ tốn của những cán bộ trẻ hiếu nghĩa với lớp cha chú của mình sôi nổi nói về những đổi thay của quê nhà như là một sự tri ân đối với những lớp người đi trước:

- Triệu Ẩu trước đây (xã Bế Văn Đàn quê hương chúng cháu ngày nay) được thiên nhiên ưu đãi nhiều mặt. Trước hết có dòng sông Bắc Vọng bốn mùa rì rào theo chiều dài của xã. Nhờ có phù sa của dòng sông mê mải bồi lắng mà các cánh đồng Bản Co, Nà Khọt, Bản Buống... phì nhiêu, màu mỡ. Chả thế mà từ thuở xa xưa, xã được coi là một trong ba vựa lúa của huyện Phục Hòa. Đấy là sự ban tặng của thiên nhiên, của trời đất, còn về lịch sử, về tinh thần thì người dân xã có niềm vinh dự, tự hào lớn là có Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, một trong những anh hùng tiếng tăm lừng lẫy khắp năm châu bốn biển. Chúng cháu coi đó là hai lợi thế của xã nhà trong thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Tiềm năng, thế mạnh là thế nhưng như chú đã biết, cách đây hơn 20 năm về trước quê hương của chúng cháu nghèo lắm! Vì là một xã vùng sâu, vùng xa, việc giao thương, buôn bán hết sức khó khăn, mặc dù đất đai phì nhiêu, màu mỡ, lúa ngô không biết đến phân đạm là gì mà năng suất vẫn 4 - 5 tấn/ha/vụ nhưng do giao thông không thuận tiện “khi đi mắc núi, khi về mắc sông”, sản xuất hoàn toàn mang tính tự cấp, tự túc, người dân nghèo vẫn hoàn nghèo, vì thóc, ngô làm ra được nhiều cũng không biết bán đi đâu. Từ trung tâm xã đến chợ Háng Riềng (Cách Linh), Háng Chấu (Cai Bộ) hoặc sang chợ Hạ Lang đều ngót nghét trên 10 cây số đường rừng, đèo cao, dốc đứng, mang vác khỏe lắm cũng chỉ được 20 - 25 kg... Vì thế phương tiện giao thông tiện lợi nhất, hiệu quả nhất lúc bấy giờ là “Honda hí” (ngựa thồ). Muốn bán tạ thóc, tạ ngô hoặc con lợn để có một khoản tiền lớn trang trải cho gia đình đều phải qua lưng con ngựa. Do vậy con ngựa lúc bấy giờ trở thành người bạn đường gần gũi, thân thiết nhất đối với mỗi gia đình! Có thể nói rằng, lớp cha, chú của bọn cháu lớn lên trên lưng ngựa, đi chợ cũng ngựa, chở ngô, chở củi từ nương, từ rừng về cũng ngựa, tất thảy đều qua lưng con ngựa, do đó mỗi khi ngựa ốm còn lo hơn cả người ốm. Còn gì xót xa bằng khi có việc gấp phải đi, buộc phải thúc ngựa vượt sông khi lũ đang về nhưng đến giữa dòng là cả người lẫn ngựa bị lũ cuốn trôi và mãi mãi đi theo dòng nước xiết! Những hình ảnh đau lòng ấy vẫn hằn sâu trong lớp lớp cháu con của xã nhà. Bởi lẽ đó vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi có Chương trình 133, 135 của Chính phủ, lãnh đạo xã lúc đó ưu tiên đầu tư vốn cho việc mở đường, làm cầu, sau đó là xây dựng trường học, trạm xá... Thấu hiểu được nguyên nhân của sự đói nghèo cũng như nỗi đau thương mất mát khi vượt sông mùa lũ nên khi xã quyết định xây cầu, mở đường là bà con làng trên, xóm dưới đều nhiệt tình hưởng ứng, sẵn sàng hiến đất ruộng, đất vườn của mình để công trình sớm được thi công, nhờ thế từ những năm 2000 trở lại đây, hạ tầng cơ sở của xã đều được đầu tư, xây mới, làm cho bộ mặt xã ngày một khởi sắc, trẻ, già, trai, gái ai ai cũng rạng rỡ nét cười, đặc biệt là các cháu nhỏ hằng ngày đi học không bị muộn giờ do chờ bè, chờ mảng như trước đây nữa. Những cây cầu treo mới bắc thật sự là những nhịp cầu nối những bờ vui!

- Trên đây là những nét đổi thay có tính đột phá của xã nhà cách đây hơn chục năm về trước, còn những thành quả đáng tự hào của những năm gần đây? Câu hỏi của tôi như khơi đúng mạch, đúng dòng, Bí thư La Thị Phương liền hào hứng:

- Kế thừa và phát huy những việc làm hay, những kinh nghiệm quý của các thế hệ lãnh đạo đi trước và với niềm tự hào là con cháu của quê hương Bế Văn Đàn, chúng cháu thực sự dốc hết nhiệt tình và sức trẻ của mình vào cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Đảng ủy kết hợp cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để làm sao cuộc vận động này nhanh chóng về đích, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn cũng như những tấm gương sáng khác. Xác định trở ngại lớn nhất của xã nhà trong thực hiện cuộc vận động này là việc di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Vì cả 10 xóm, bản của xã cũng như nhiều xã khác trong huyện là từ bao đời nay, người nông dân vẫn quen nhốt trâu, bò ở gầm sàn nhà ở để bảo đảm an toàn cho gia súc, gia cầm. Với lại muốn dời thì phải có đất làm chuồng ở gần nhà mới yên tâm. Thấy rõ đây là khó khăn lớn nhất nên Đảng ủy xã đã ra nghị quyết yêu cầu các chi bộ phải quyết liệt trong việc vận động gia đình các đảng viên phải đầu tầu, gương mẫu với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhờ đó đến nay cả xã có 646 hộ thì cả 646 hộ đã di dời xong. Cùng với việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở thì hầu hết các hộ gia đình đều được sử dụng nguồn nước sạch và có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đi liền đó là hệ thống đường liên xóm được bê tông hóa, ô tô, xe máy bon bon đến tận chân cầu thang mỗi nhà, nên câu khẩu hiệu “sạch làng, tốt ruộng” cách đây 40 - 50 năm về trước đến bây giờ mới thực sự trở thành hiện thực, mãi mãi xóa đi cái cảnh đường thôn, ngõ xóm bùn lầy nhão nhoét vào mùa mưa, bụi đỏ mù mịt vào mùa khô. Nhà cửa của các bản làng hầu như không còn những ngôi nhà siêu vẹo, dột nát như trước đây nữa. Xen vào những ngôi nhà sàn mái ngói âm dương cổ truyền, đây đó đã mọc lên những ngôi nhà cao tầng, mái tôn đỏ chót, tôn thêm nét thanh bình, yên ả của một vùng quê biên ải. Đặc biệt từ khi Quốc lộ 4A được rải áp phan nối liền Thạch An - Phục Hòa - Hạ Lang, đêm ngày ô tô, xe máy bon bon êm ả qua địa phận xã tới 13 km, thực sự tạo ra một “cú hích” trong việc phấn đấu hoàn thành 3 tiêu chí còn lại của 19 tiêu chí nông thôn mới.

Theo Chủ tịch Lý Quốc Hội, từ khi Quốc lộ 4A được đưa vào sử dụng, ngày chợ phiên Bản Co đông khách hơn nhiều, các mặt hàng nông sản cũng phong phú hơn. Nếu như trước đây ngày chợ chỉ lèo tèo vài con gà, con vịt bên cạnh những dậu đỗ tương, đỗ xanh và vài thứ sản vật khác của núi rừng như măng khô, mộc nhĩ, lá dong... thì nay cùng với những dãy quần áo may sẵn, đồ điện tử chật đường, chật lối là hoa quả, bánh kẹo đủ loại do các thương nhân chở từ Phục Hòa, Cách Linh lên, từ Hạ Lang, Háng Chấu xuống, người bán, người mua mời chào nhau tơi tới. Do cái ăn, cái mặc đủ đầy, giao thương mở mang, đi lại thuận tiện nên lòng người cũng rộng mở, ấm áp hơn. Cũng từ đó “tình làng, nghĩa xóm” ngày càng được thắt chặt, “tắt lửa, tối đèn” có nhau, giúp nhau những khi người này, người khác gặp khó khăn, hoạn nạn. Các cuộc vận động quyên góp, ủng hộ nơi này, nơi khác gặp thiên tai, hỏa hoạn đều được bà con hưởng ứng. Gần đây nhất là ủng hộ đồng bào các huyện Nguyên Bình, Bảo Lâm, Bảo Lạc… do bị ảnh hưởng cơn bão số 3 gây lở đường, cuốn trôi nhà cửa, làm thiệt hại nhiều gia cầm, gia súc và cả con người đều được bà con các xóm, bản nhiệt tình góp công, góp của để sẻ chia những đau thương, mất mát. Cũng từ đó làm cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi vào chiều sâu, làm cho bộ mặt xã nhà ngày càng khởi sắc, thắm tươi.

Đáng tự hào hơn cả là nhờ đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nên đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” cũng được thực hiện tốt hơn. Hằng năm, cứ vào dịp lễ, tết là cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, thực sự làm vơi bớt nỗi đau thương, mất mát do chiến tranh để lại. Riêng gia đình ông Bế Văn Dèn, người thờ cúng Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn được xã quan tâm, vận động toàn dân cũng như cán bộ, công chức xã góp tiền, góp sức xây mới ngôi nhà cấp 4 ba gian lợp tôn vững chãi, kèm theo các công trình phụ và tặng thêm nhiều vật dụng thiết yếu trong gia đình như bàn ghế, ti vi, tủ lạnh... thực sự là một bước đổi đời của gia đình ông Bế Văn Dèn. Vậy là bằng những việc làm thiết thực, chứa chan “tình làng, nghĩa xóm” ấy, quê hương anh Bế Văn Đàn đã thắp sáng thêm ý Đảng, lòng dân, thắp sáng thêm tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bộ mặt nông thôn càng khởi sắc, đời sống càng đủ đầy, nỗi khát khao tri ân người anh hùng liệt sĩ của quê hương trong toàn đảng bộ và nhân dân xã nhà càng cháy bỏng. Và niềm mong mỏi ấy đã được đáp đền khi Dự án xây dựng khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt. Và sau một năm vừa thiết kế, vừa thi công, khu tưởng niệm có diện tích 2.802 m2 với các hạng mục: nhà trưng bày, nơi đón tiếp, đền tưởng niệm, miếu thờ, sân vườn, cột cờ, cổng, hàng rào đã hoàn thành. Toàn bộ công trình tọa lạc ngay giữa cánh đồng Bản Buống - nơi anh Đàn cất tiếng khóc chào đời và tự nguyện đứng vào hàng quân của “Bộ đội Cụ Hồ” để đi kháng chiến. Vậy là từ nay trở đi xã Bế Văn Đàn có thêm ngôi nhà tưởng niệm hai tầng thoáng đãng, mát mẻ, thanh tịnh, cấu trúc theo kiểu nhà sàn 4 mái vùng Tây Bắc - nơi anh Đàn đã vĩnh viễn vào lòng đất mẹ, gây niềm xúc động sâu xa đối với bất cứ ai khi lần đầu đến thắp hương tưởng niệm!

Còn gì tự hào hơn khi được nghe các đồng chí lãnh đạo xã cho biết: Từ khi khu tưởng niệm được đưa vào sử dụng, hằng năm thầy trò Trường THPT Bế Văn Đàn (Thành phố) tổ chức dâng hương, dâng hoa để tỏ lòng thành kính biết ơn người anh hùng của quê nhà. Trước khi ra về thầy trò lại cùng nhau cất cao ca khúc: “Anh Bế Văn Đàn sống mãi” của nhạc sĩ Huy Du. Cùng với đó, nhiều cơ quan, đoàn thể của tỉnh cứ đến ngày 27/7 là đến thắp hương tưởng nhớ, kết hợp với lãnh đạo xã tổ chức mời cơm và tri ân gia đình ông Bế Văn Dèn. Đáng trân trọng hơn cả là 3 năm nay, dù xa xôi cách trở nhưng đại diện thầy và trò Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) đến thắp hương tưởng nhớ người anh hùng liệt sĩ lấy thân mình làm giá súng để đồng đội tiêu diệt nhiều quân thù - Một hành động có một không hai trong lịch sử chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc và cùng nhau ca vang bài hát “Anh Bế Văn Đàn sống mãi”. Giá như nhạc sĩ Huy Du nghe được khúc hát của mình được cất lên từ quê hương của người anh hùng liệt sĩ này chắc hẳn cũng phải động lòng da diết nhớ về anh Bế Văn Đàn.

Có phải từ giây phút khánh thành khu tưởng niệm với sự có mặt đầy đủ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và đông đảo bà con các xóm, bản thì hương hồn anh Bế Văn Đàn mới chính thức được hòa vào mây trời, sông nước, núi non của quê hương với tâm thế của một người anh hùng. Từ nay hình bóng anh, khí chất anh mãi mãi rạng ngời, mãi mãi sáng soi cho quê hương. Với tất cả tình cảm ngưỡng mộ và kính phục anh, chúng ta hy vọng rằng từ nay xã Bế Văn Đàn tay chung tay sải những bước rộng dài trên con đường xây dựng và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi những mong mỏi của Bác Hồ kính yêu: “Bác mong Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như trước đây Cao Bằng là tỉnh đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”.